Trang chủ»Tin tức » Tin công nghệ

So sánh Ổ cứng SSD WD Blue 3D NAND công nghệ mới với phiên bản 2D NAND, đua tốc độ với RAID 0

Ổ cứng SSD WD Blue hiện có giá/dung lượng khá tốt trong phân khúc SSD phổ thông và gần đây WD đã phát hành phiên bản dùng chip nhớ 3D TLC NAND cùng vi điều khiển SATA của Marvell hứa hẹn mang lại hiệu năng cao hơn so với phiên bản TLC NAND được phát hành trước đây.

Ổ cứng SSD WD Blue hiện có giá/dung lượng khá tốt trong phân khúc SSD phổ thông và gần đây WD đã phát hành phiên bản dùng chip nhớ 3D TLC NAND cùng vi điều khiển SATA của Marvell hứa hẹn mang lại hiệu năng cao hơn so với phiên bản TLC NAND được phát hành trước đây.

Chúng ta thử nghiệm 2 chiếc ổ cứng SSD  WD Blue  dung lượng 250 GB. Mục đích tìm hiểu xem tốc độ của dòng ổ SSD mới này tới đâu đồng thời thử nghiệm xem nếu cho 2 ổ chạy RAID 0 thì liệu có lợi về chi phí hơn so với một ổ cứng 500 GB hay không.

Thiết kế của dòng ổ WD Blue SSD dùng chip 3D TLC NAND mới không khác gì phiên bản NAND phẳng trước nhưng có dòng chữ 3D NAND để phân biệt. Do đó khi anh em đi mua thì lưu ý dòng chữ này để chọn đúng phiên bản. Giá của dung lượng 250 GB là 2,5 triệu đồng, một số chỗ mình thấy bán chính hãng nhưng giá rẻ hơn trong khoảng 200 ngàn. Trong khi đó phiên bản 500 GB có giá lẻ đề xuất là 4,2 triệu đồng, 1 TB là 7,8 triệu đồng. Ngoài dòng ổ 2,5' thì WD Blue 3D TLC NAND cũng có form M.2 2280 với mức giá tương đương.

Theo tìm hiểu của mình thì dòng ổ WD Blue 3D NAND mới này được trang bị các chip NAND SanDisk BiCS 64 lớp TLC (Triple-level Cell). Đi kèm với chip NAND 3D này là vi điều khiển Marvell 88SS1074. Vi điều khiển này rất phổ biến trên những ổ SSD SATA và Marvell cũng vừa công bố rằng hãng đã bán được đến 50 triệu vi điều khiển này trong vòng chỉ 18 tháng. Ngoài WD Blue SD (tính cả 2 dòng dùng 2D TLC NAND và 3D TLC NAND) thì Marvell 88SS1074 còn xuất hiện trên những dòng ổ như Kingston SSDNow UV400, Crucial MX300, SanDisk X400/Ultra 3D SSD hay Plextor M7V. Marvell 88SS1074 hỗ trợ 4 kênh NAND với 8 CE/kênh, công nghệ LDPC thế hệ 3 cùng bộ đệm DRAM 256 MB DDR3.

Giờ thì chúng ta cùng xem qua hiệu năng của WD Blue 3D TLC NAND với phiên bản 250 GB. Hệ thống thử nghiệm của mình như sau:

CPU: Intel Core i5-6600 (Skylake) 4 nhân 4 luồng, 3,3 - 3,9 GHz (Turbo Boost), 6 MB Cache, TDP 65 W;

RAM: 2 x 8 GB G.Skill TridentZ RGB DDR4-3200;

SSD chính (chứa OS): WD Black PCIe Gen3 x4 NVMe 512 GB;

SSD thử nghiệm: WD Blue 3D TLC NAND 250 GB;

SSD so sánh: WD Blue 2D TLC NAND 500 GB;

OS: Windows 10 Pro 64-bit.

Trước tiên là tình hình sức khỏe của WD Blue 3D TLC NAND 250 GB, qua CrystalDisk Info, chiếc ổ này khi không tải có nhiệt độ chỉ 35 độ C, giao tiếp đều đã nhận chính xác SATA 6 Gb/s.

Dùng ATTO Disk Benchmark kiểm tra hiệu năng với dữ liệu RAW hay dữ liệu nén để xác định tốc độ đọc/ghi cao nhất. Mình chọn mẫu thử 1 GB với các mức dung lượng từ 512 byte đến 64 MB thì ổ WD Blue 3D TLC NAND 250 GB đạt tốc độ đọc cao nhất là 561,68 MB/s và tốc độ ghi cao nhất 530,57 MB/s ở kích thước dữ liệu 256 KB, từ kích thước này trở đi thì hiệu năng đọc/ghi của ổ rất ổn định, chênh lệch từ khoảng 550 - 561 MB/s đọc và 514 - 530 MB/s ghi. Thử so sánh với ổ WD Blue dùng công nghệ 2D TLC NAND dung lượng 500 GB mà mình mua lần trước, có thể thấy hiệu năng của chip 3D TLC NAND tối ưu hơn và vi điều khiển 88SS1074 được phát huy tối đa công năng. Ổ 500 GB có tốc độ đọc tối đa 556,34 MB/s và ghi tối đa 527,20 MB/s và tốc độ đọc/ghi cũng rất ổn định.

 

Tiếp theo với CrystalDisk Mark thử nghiệm hiệu năng truy xuất với dạng dữ liệu không nén, WD Blue 3D TLC NAND 250 GB đạt tốc độ đọc tuần tự 552,2 MB/s và ghi tuần tự 522,4 MB/s với thiết lập Q32T1 (queue 32 và 1 thread), hiệu năng truy xuất ngẫu nhiên tập tin cỡ nhỏ 4 KB Q32T1 là 347,9 MB/s (84930 IOPS) tốc độ đọc và 300,2 MB/s (73312 IOPS) tốc độ ghi.

Theo tài liệu được WD công bố thì tốc độ truy xuất tuần tự của WD Blue 3D TLC NAND phiên bản 250 GB lần lượt là 550 MB/s và 525 MB/s, như vậy tốc độ thực tế đã đạt ngưỡng này và thậm chí cao hơn. Về tốc độ truy xuất ngẫu nhiên 4 KB, WD Blue 3D TLC NAND 250 GB có thể đạt 95k IOPS và 81k IOPS ở điều kiện lý tưởng nhất. Hệ thống thử nghiệm của mình vẫn chưa phải tốt nhất bởi Core i5 4 nhân 4 luồng, nếu thử nghiệm với các CPU nhiều nhân nhiều luồng hơn thì khả năng sẽ đạt gần được con số lý thuyết của WD.

Bằng Disk Benchmark, mình kiểm tra tốc độ đọc đều theo thời gian với kích thước dữ liệu 4 MB, kết quả cho thấy tốc độ đọc của ổ WD Blue 3D TLC NAND 250 GB rất ổn định, trên 500 MB/s, ngẫu nhiên khoảng 498 MB/s.

 

Điều đáng chú ý là độ trễ truy xuất trung bình của ổ WD Blue 3D TLC NAND 250 GB chỉ còn 0,08 ms trong khi ổ 500 GB dùng 2D TLC NAND đến 0,26 ms. Cả 2 dòng ổ này đều dùng chung vi điều khiển Marvell 88SS1074 và điều này cho thấy lợi thế về tốc độ truy xuất dung lượng thấp của 3D TLC NAND, cũng là một đặc điểm thường thấy trên các ổ cứng 3D NAND của Samsung. Độ trễ truy xuất thấp hơn khiến thời gian hoàn thành bài test được rút xuống còn chưa đến 1 nửa.

 

 

Điển hình như bài test Random Read dưới đây, tốc độ đọc ngẫu nhiên với kích thước dữ liệu 64 MB của ổ WD Blue 3D TLC NAND 250 GB tối đa là 344,6 MB/s trong khi ổ 500 GB dùng 2D TLC NAND là 312 MB/s. Thời gian hoàn tất bài test cũng được rút xuống còn 1 nửa và kết quả này cũng thể hiện trải nghiệm sử dụng thực tế, tốc độ khởi động ứng dụng, game hay tìm kiếm dữ liệu trên ổ WD Blue 3D TLC NAND mới đều nhanh hơn rõ rệt.

Như vậy chúng ta đã thấy được hiệu năng của dòng ổ 3D TLC NAND mới so với 2D TLC NAND đời trước. Cũng nhân đây thì mình thử nghiệm cho 2 ổ 250 GB chạy RAID 0 để xác định xem nếu như chúng ta đầu tư mua 2 ổ 250 GB chạy theo thiết lập này thì liệu hiệu năng cao hơn bao nhiêu so với mua 1 ổ 500 GB.

Bắt đầu đua tốc độ 2 ổ cứng SSD Blue này

CrystalDisk Mark giữa 3 tay đua WD Blue 3D TLC NAND 250 GB vs WD Blue 2D TLC NAND 500 GB và RAID 0 2 ổ 250 GB. Tốc độ truy xuất của ổ RAID 0 cao nhất bởi về cơ chế hoạt động, trong một hệ thống 2 hoặc nhiều ổ cứng chạy RAID 0 thì dữ liệu được chia thành các block đều nhau và được ghi đều lên tất cả ổ cứng được thiết lập. Do đó tốc độ đọc/ghi theo lý thuyết sẽ tăng theo cấp số ổ, tức 2 ổ thì tăng gấp đôi, 3 ổ tăng gấp 3, cứ thế nhân n lần. Như vậy nếu so với 1 ổ 500 GB đơn lẻ thì thiết lập 2 ổ 250 GB chạy RAID 0 cho bạn tốc độ cao hơn gấp đôi, có thể thấy rõ điều này với thử nghiệm đọc ghi tuần tự Q32T1.

Tiếp theo mình thử nghiệm copy 1 file ZIP dung lượng 60 GB, một 1 thư mục dung lượng 67 GB gồm 428 file lớn nhỏ và 71 thư mục con, 1 thư mục hình 22 GB gồm 1449 tấm đủ kích cỡ và định dạng và 1 thư mục video 24 GB gồm 180 video trích xuất từ máy quay, đa phần là định dạng MTS từ ổ WD Black PCIe Gen3 x4 NVMe 512 GB vào từng ổ trong hệ thống thử nghiệm cũng như copy ngược trở lại chiếc ổ WD Black này và bấm giờ.

Kết quả tính theo giây cho thấy ổ RAID 0 hoàn tất thử nghiệm này nhanh nhất, về nhì là ổ WD Blue 2D TLC NAND 500 GB và WD Blue 3D TLC NAND 250 GB mất nhiều thời gian nhất để hoàn thành tác vụ này. Khá bất ngờ bởi tất cả những con số đưa ra từ các công cụ benchmark đều cho thấy hiệu năng đọc/ghi cao hơn của ổ WD Blue 3D TLC NAND so với dòng 2D TLC NAND.

Quan sát thực tế mình nhận thấy với dạng dữ nói trên, ổ WD Blue 3D TLC NAND có tốc độ ghi khá ổn định ở 200 MB/s nhưng ổ WD Blue 2D TLC NAND 500 GB lại có tốc độ ghi đến 300 MB/s trung bình. Trong khi đó hệ thống ổ RAID có tốc độ gấp đôi của 2 ổ 250 GB tức trên 400 MB/s nhờ đó hoàn thành tác vụ nhanh hơn.

Khi sử dụng hàng ngày song song cả 2 dòng ổ WD Blue, mình nhận thấy ổ WD Blue SSD với công nghệ 3D TLC NAND mới có ưu điểm về tốc độ truy xuất đọc khi độ trễ truy xuất trung bình thấp hơn đáng kể so với dòng ổ dùng chip TLC NAND của SanDisk trước đây, nhờ đó thời gian khởi động ứng dụng, game được rút ngắn, chúng ta bớt phải chờ đợi hơn. Về phần tốc độ ghi, so sánh của mình có hơi khập khiễng đôi chút bởi tốc độ ghi của ổ SSD thường tăng theo dung lượng, nếu so sánh giữa 2 dòng ổ cùng dung lượng chẳng hạn như WD Blue 3D TLC NAND 500 GB vs 2D TLC NAND 500 GB sẽ công bằng hơn nhưng với phiên bản 250 GB này thì mình khá hài lòng. Còn nếu muốn 500 GB mà tốc độ bàn thờ, giá vẫn hợp lý? Anh em hãy chơi 2 ổ 250 GB cho chạy RAID 0 như thử nghiệm của mình. Chi phí cho 2 ổ 250 GB vào khoảng 4,8 - 5 triệu đồng trong khi 1 ổ 500 GB cùng loại là 4,2 triệu. Anh em nghĩ sao?

Thẻ Nhớ - USB chính hãng - Ổ Cứng Di Động - Ổ Cứng Mạng - Thẻ nhớ MacBook - WD My Passport - Ổ Cứng Di Động Wifi - Ổ Cứng Cắm Ngoài - Ổ cứng NAS - WD MyBook - WD MyCloud - Box Ổ Cứng - HDD LaCie - Ổ Cứng Di Động Transcend - backup 4t 2.5 - SSD Kingston - phiên bản mobile
tructuyen

Hotline: 0243.7473614

Bán hàng trực tuyến
Hỗ trợ kỹ thuật và bảo hành